Kết quả và đánh giá Chiến_dịch_đổ_bộ_đường_không_Rzhishchev-Bukrin

Kết quả

Trong số các nhóm quân đổ bộ đường không tại khu vực Bukrin, chỉ có nhóm của Sidorchuk là nhóm có tổ chức chặt chẽ và quy mô hơn cả, duy trì sức chiến đấu dài ngày nhất và hoạt động có hiệu quả nhất trong hậu tuyến của quân Đức. Các nhóm khác đều mất sức chiến đấu rất nhanh, bị quân Đức tiêu diệt hoặc mở đường rút ra và nhập vào các đơn vị bộ binh. Sau hai tháng chiến đấu liên tục, đội quân của P. M. Sidorchuk cùng các nhóm du kích đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 3.000 sĩ quan và binh lính Đức, lật đổ 15 đoàn xe lửa quân sự Đức, phá hủy 52 xe tăng, 8 pháo tự hành và 225 xe quân sự các loại. Trong số 4.575 quân dù Liên Xô đã đổ bộ, hơn 3.500 quân đã chết trong các trận đánh, hầu hết vũ khí nặng được thả xuống đều lần lượt bị phá hỏng trong các trận đánh, đến giữa tháng 10 năm 1943, toán quân của P. M. Sidorchuk và các toán du kích sáp nhập vào đội hầu như đều tự trang bị cho mình vũ khí và đạn dược thu được của quân Đức, kể cả pháo hạng nhẹ và pháo chống tăng với sức kéo chủ yếu là ngựa và sức người.[13]

Mặc dù kết quả chiến đấu không lớn nhưng đội đổ bộ đường không phối hợp với du kích đã rối loạn trong hậu phương gần mặt trận của Tập đoàn quân xe tăng 4 và Tập đoàn quân 8 (Đức) suốt gần 2 tháng. Mặc dù tiến hành nhiều cuộc càn quét nhưng quân đội Đức Quốc xã hầu như đã bất lực trước đội quân nhỏ bé này.[13] Bản báo cáo số 4649/43 ngày 7 tháng 11 của Sở chỉ huy Tập đoàn quân 8 (Đức) do Tập đoàn quân 52 (Liên Xô) thu giữ được tại Cherkassy ngày 21 tháng 11 có đoạn viết:

Các phương pháp và cách thức tác chiến của lính dù Xô Viết cho thấy ngay cả trong điều kiện bị thương vong lớn, thiếu thốn nghiêm trọng về đạn dược, lương thực, không nhận được sự yểm hộ từ trên không, bị bao vây và mất liên lạc với quân nhà cho thấy họ vẫn rất nguy hiểm. Họ có sự tinh quái và khả năng chiến đấu độc lập rất cao. Một lính dù Xô Viết khi bị thương không nghiêm trọng vẫn có khả năng chiến đấu tốt như lúc chưa bị thương. Nếu bị thương nghiêm trọng, họ thường giấu trong tay một quả lựu đạn hoặc thủ pháo chống tăng và cho nổ tung mỗi khi lính Đức tiến đến bắt họ. Rất nhiều lính Đức đã thiệt mạng khi muốn bắt lính dù Nga làm tù binh nên họ thường bắn cho đến khi xác định là đối phương đã chết hẳn để bảo đảm an toàn. Nhiệm vụ truy tìm căn cứ của toán đổ bộ cũng rất phức tạp vì họ ngụy trang rất cẩn thận, sử dụng lợi thế của địa hình che khuất và luôn di chuyển chỉ sau vài ngày. Họ không đóng quân ở một nơi cố định quá một tuần. Khi quân báo của chúng tôi lần ra nơi đóng quân của họ thì họ thì thường họ chỉ để lại một toán quân cảm tử chống trả đến người cuối cùng, còn phần lớn quân số thì biến mất trong rừng. Hầu như không thể xác định trước các đòn đánh của họ sẽ nhằm vào đâu vì chúng tôi không thể phát hiện được hướng di chuyển của họ. Khi tấn công, họ chỉ ra hiệu cho nhau, không bao giờ hô "Ura" ầm ỹ như bộ binh. Họ thường dùng phương pháp cận chiến bằng dao găm, lưỡi lê và báng súng. Khi trận đánh kết thúc, họ thường rút đi rất nhanh chóng trước khi các lực lượng tiếp viện của ta kéo đến.
— Tư lệnh Tập đoàn quân 8, thượng tướng Werner Kempf, [16]

Đánh giá

Bộ Tổng tư lệnh tối cao quân đội Liên Xô đánh giá Chiến dịch đổ bộ đường không Rzhishchev-Bukrin là một thất bại nghiêm trọng. Lúc 1 giờ 40 ngày 13 tháng 10 năm 1943, Bộ Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô gửi đến tư lệnh Phương diện quân Voronezh, đại tướng N. F. Vatutin bản Chỉ thị số 30213 do đích thân I. V. Stalin soạn, bản sao gửi nguyên soái G. K. Zhukov:

Cuộc đổ bộ đầu tiên được tiến hành bởi Phương diện quân Voronezh rạng sáng ngày 24 tháng 9 xuống khu vực đầu cầu đã không thành công và gây nhiều tổn thất không đáng có. Lỗi đó thuộc về đồng chí Kapitokhyn. Chắc chắn rồi. Nhưng không chỉ có một mình đồng chí đó. Đồng chí Konstantinov (bí danh của G. K. Zhukov) cũng có lỗi với tư cách giám sát và cả đồng chí Vatutin, người chuẩn bị và tổ chức cuộc đổ bộ này cũng có lỗi. Việc tổ chức đổ bộ đường không vào ban đêm trước đây cho thấy tỷ lệ nhảy dù trúng đích rất thấp, các đồng chí đều rõ điều này. Ngay cả trong trường hợp tập luyện ở địa phận quân ta, người nhảy dù cũng gặp khó khăn lớn. Ngoài ra, các phi công và hoa tiêu hầu như không được huấn luyện kỹ về thả quân nhảy dù vào ban đêm. Tôi ra lệnh cho chỉ huy Phương diện quân Voronezh phải trả số quân dù chưa đổ bộ về Đại bản doanh làm lực lượng dự bị. Từ nay trở đi, nếu không có chỉ lệnh đặc biệt của Đại bản doanh, nghiêm cấm các phương diện quân tự ý tổ chức đổ bộ đường không vào ban đêm.
— Yuriev, [17]

Theo một số nhà nghiên cứu lịch sử quân sự, cuộc đổ bộ đường không của quân đội Liên Xô tại khu vực Rzhishchev-Bukrin tuy thất bại nhưng lại là tiền đề cho họ chọn một, thậm chí là hai, ba phương án khác để tổ chức tấn công vào Kiev. Mặt khác, các trận chiến đấu các liệt ở khu vực Rzhishchev-Bukrin đã thu hút vào đây các sư đoàn xe tăng mạnh của quân đội Đức Quốc xã và làm cho lực lượng Đức ở một số địa bàn trọng yếu dọc sông Dniepr bị mỏng đi, dễ bị chọc thủng khi quân đội Liên Xô tiến hành đổ bộ đồng thời và thọc sâu tại nhiều địa đoạn khác. Những sự kiện tiếp theo cho thấy chỉ ở khu vực đầu cầu Rzhishchev, Bukrin và Kanev, quân đội Liên Xô mới phải chịu thất bại, còn ở các điểm quan trọng khác như Lyutezh, Novoshepelichi, Gornostaypol, Kushevolovka, Aul, Voiskovoye, quân đội Liên Xô đều vượt sông thành công và tiếp tục tấn công.[16]